Chuyện phim xoay quanh đôi vợ chồng Hùng và Trâm. Cũng như rất nhiều người chồng khác, Hùng luôn khó chịu với những tin nhắn, cuộc gọi điện thoại của vợ và cho rằng đó là một việc phiền phức. Anh cho rằng vợ đang làm phiền khi mình bận rộn với công việc. Kể cả khi vợ mang thai, Hùng cũng không dành thời gian chăm sóc nhiều cho vợ được.Cho đến ngày sinh nhật của Hùng, anh đi ăn cùng với bạn bè, đồng nghiệp xuyên đêm. Trâm ở nhà làm một bữa tối nhỏ và chờ chồng về. Cô gọi điện để gọi chồng, nhưng vì khó chịu, Hùng không bắt máy và còn tắt điện thoại.
Tối hôm đó, trời đổ mưa rất to, Trâm đem xô đi hứng nước từ mái nhà bị dột và chẳng may trượt chân ngã. Cô gọi điện cho chồng nhưng vì đã tắt máy, anh không thể về nhà với vợ. Đôi vợ chồng trong phim có một kết thúc buồn. Trâm qua đời, còn Hùng thì phải sống trong ân hận và dằn vặt. Cảnh cuối phim, khi Hùng nấu bữa ăn cho vợ và ngồi ăn trước di ảnh cô khiến người xem rớt nước mắt. Dù vậy, phim ngắn “Giá như anh bắt máy” đã mang lại bài học thấm thía cho người xem: “Hãy biết quý giá, trân trọng từng phút giây được ở bên những người thân yêu của mình. Hãy yêu khi còn có thể yêu”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cư dân mạng khác chia sẻ rằng, vì Trâm là phụ nữ đang mang thai, nên tâm lý có phần nhạy cảm, luôn muốn được quan tâm, chăm sóc nhiều. Đôi khi cô không biết rằng, việc gọi điện quá nhiều sẽ làm phiền tới chồng. Một facebooker cho rằng: “Câu chuyện này có có đôi nét giống như chuyện cậu bé chăn cừu. Đôi khi vì muốn được quan tâm, phụ nữ gọi điện cho đàn ông. Gọi lần 1 tưởng có chuyện gì, nhưng là chuyện không quan trọng. Nên các cuộc gọi lần 2,3 người ta nghĩ cũng chả có chuyện gì xảy ra. Cho nên bản thân phụ nữ cũng nên rút kinh nghiệm từ bộ phim đau thương này. Đừng để chính bạn là người giết đi “bầy cừu” của mình”.